12 Công Việc Bắt Buộc Phải Biết Sau Khi Có Giấy Phép Đăng Ký Kinh Doanh

Khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh) doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt các công việc theo quy định của pháp luật, như làm con dấu, đăng bố cáo thành lập, lập sổ thành viên (cổ đông), in hóa đơn, kê khai thuế ban đầu… Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng không biết làm gì, trình tự thế nào. Bài viết dưới đây lưu ý những việc cần thiết phải làm sau khi nhận được Giấy đăng ký doanh nghiệp.
 


 

1. Kiểm tra nội dung

- Kiểm tra nội dung Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy Phép kinh doanh). Khi phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sai lệch (chưa chính xác) so với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp không được tự ý cạo, sửa, viết thêm, … làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Khắc dấu và đăng ký mẫu dấu

- Trước ngày 15/07/2015 để khắc dấu doanh nghiệp cần liên hệ với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội thuộc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để được hướng dẫn cụ thể. Sau ngày này, theo Luật doanh nghiệp 2014, việc thủ tục khắc dấu được đơn giản hóa, doanh nghiệp được chủ động khắc dấu tại đơn vị có thẩm quyền.
- Doanh nghiệp chỉ được sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Việc sử dụng con dấu khi chưa có Giấy chứng nhận này bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và bị thu hồi con dấu.

3. Công bố nội dung kinh doanh

-  Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thường được gọi là “thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh” hoặc “thay đổi đăng ký kinh doanh”), doanh nghiệp phải đăng tải nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo một trong các phương thức:
+ Thông báo trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
+ Thông báo cho Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).
+ Thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia trên wbsite: dangkykinhdoanh.gov.vn.
- Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng và buộc phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.

4. Đăng ký thuế

- Doanh nghiệp liên hệ với Chi cục thuế nơi đặt doanh nghiệp trụ sở chính để lập hồ sơ khai thuế ban đầu và nộp thuế môn bài. Làm 2 bộ hồ sơ cho mỗi loại biểu mẫu/công văn, 1 bộ cơ quan thuế lưu giữ, 1 bộ doanh nghiệp lưu giữ, 1 bộ sau khi cơ quan thuế đóng mộc xác nhận đã nộp hồ sơ. Cụ thể các bước “ đăng ký hồ sơ thuế ban đầu”:
+ Bước 1: Doanh nghiệp mới ra hoạt động kinh doanh phải nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nộp 2 mẫu tờ khai môn bài. Đồng thời, trích nộp tiền thuế môn bài từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế điện tử.
+ Bước 2: Doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kê khai thuế qua mạng và đăng ký nộp thuế điện tử xong thì Cơ quan thuế mới tiếp nhận Cơ quan thuế địa phương.
- Sau 5 ngày làm việc Cơ quan thuế sẽ có thông báo về kết quả áp dụng phương pháp thuế.

5. Đặt in hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT)

Nộp công văn đề nghị sử dụng hóa đơn GTGT đặt in. Sau khi nhận thông báo áp dụng phương pháp tính thuế:
- Đơn vị muốn đặt in hóa đơn – Hồ sơ làm thành 2 bộ gồm:
+ Nộp 2 bản công văn đặt in hóa đơn
+ 2 bản sao giấy phép kinh doanh
+ 2 bản sao thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của Cơ quan Thuế.
- Trường hợp nếu doanh nghiệp muốn mua hóa đơn ( không đặt in ) từ cơ quan thuế để sử dụng làm hồ sơ, thủ tục mua hóa đơn tại Chi cục thuế/ Cục thuế.
+ Sớm nhất sau 5 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ có thông báo kết quả về việc tự in hoặc mua hóa đơn để doanh nghiệp sử dụng.

6. Treo bảng tại trụ sở công ty

- Doanh nghiệp phải gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính và tại chi nhánh, văn phòng đại diện ( nếu có ). Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bắt buộc phải gắn tên doanh nghiệp theo quy định.

7. Thực hiện vốn góp theo cam kết

- Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn như sau:
+ Đối với công ty TNHH: Chủ sở hữu hoặc các thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
+ Đối với công ty cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp GCNĐKKD.
- Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã đăng ký, doanh nghiệp bị phạt từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc đăng ký giảm vốn điều lệ đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, hoặc buộc góp đủ số vốn như đã đăng ký đối với các loại hình doanh nghiệp khác.

8. Thông báo tiến độ góp vốn

- Doanh nghiệp phải thông báo việc đã góp đủ vốn cho Phòng đăng ký kinh doanh (không muộn hơn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn.
- Trường hợp vốn góp là tài sản phải đăng ký hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn cần tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ đông công ty cổ phần phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho doanh nghiệp như sau:
+ Đối với tài sản được đăng ký hoặc quyền sử dụng đất thì bên góp vốn phải làm chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Đối với tài sản mà phải không đăng ký quyền sở hữu, thì việc góp vốn phải có giao nhận tài sản góp vốn dưới hình thức biên bản.
+ Đối với cổ phần (phần vốn góp) bằng tài sản là ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng được coi là thanh toán xong chỉ khi quyền sở hữu đối với tài sản đó đã được chuyển sang doanh nghiệp.
-  Đối với tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ty.

9. Sổ đăng ký thành viên và sổ đăng ký cổ đông

Lập sổ đăng ký thành viên/cổ đông, chứng nhận góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho cơ quan Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày.
a. Lập sổ đăng ký thành viên (đối với Công ty TNHH)
Trong sổ đăng ký thành viên phái có các nội dung chủ yếu như sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, Giấy chứng minh nhân dân (Hộ chiếu) đối với thành viên là cá nhân.
- Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, Quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với thành viên là tổ chức.
- Giá trị vốn góp tại thời điểm góp vốn và phần vốn góp của từng thành viên, thời điểm góp vốn; loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn.
- Chữ ký của thành viên (đối với cá nhân) hoặc của người đại diện theo pháp luật (đối với thành viên là tổ chức).
- Số, ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên.
b. Lập sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần)
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
- Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, Giấy chứng minh nhân dân (hộ chiếu) đối với cổ đông là cá nhân.
- Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức.
- Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần).

10. Lập sổ sách kế toán của doanh nghiệp

11. Doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính hàng năm tại Phòng Thống kê quận (huyện) nơi doanh nghiệp có trụ sở chính

- Đối với công ty cổ phần và công ty TNHH có vốn góp nhà nước thì nộp báo cáo tài chính hàng năm tại Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Thời hạn nộp: trong thời hạn 30 ngày đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh; 90 ngày đối với công ty cổ phần và công ty TNHH kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm (theo mẫu của Bộ Tài chính).

12. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp

Do người đại diện pháp luật tiến hành. Hồ sơ chuẩn bị khi mở tài khoản ngân hàng gồm:
- 1 bản photo chúng thực: “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
- 1 bản photo chứng thực: “ CMND” của người đại diện pháp luật ghi trên giấy phép.
- 1 bản phôt chứng thực : “ Thông báo về việc đăng tải thông tin con dấu doanh nghiệp”.
- Mang theo con dấu doanh nghiệp khi đến làm thủ tục.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về 12 việc bắt buộc phải làm sau khi nhận được Giấy phép đăng ký kinh doanh. Hy vọng qua bài viết này các quý bạn sẽ nắm và biết cách vận dụng chính xác chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục và thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về các thủ tục cần phải làm sau khi thành lập doanh nghiệp để quý bạn tiện theo dõi. Chúc các bạn sức khỏe và thành công!