Quy Định Về Chữ Ký Số Và Chứng Thư Số
Trong thời đại Công nghệ 4.0 hiện nay, các tổ chức được khuyến khích sử dụng chữ ký số và chứng thư số để thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan,... nhằm giúp tiết kiệm thời gian, công sức, bảo mật tuyệt đối thông tin người dùng mà vẫn đảm bảo giá trị về mặt pháp lý. Hãy cùng tìm hiểu khái niệm chữ ký số, chứng thư số và quy định của pháp luật về công cụ tuyệt vời này
Chữ ký số là gì?
Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử, dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Nó đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Mỗi tài khoản sử dụng đều có một cặp khóa bao gồm:
- Khóa Công khai: Thẩm định Chữ ký số, xác thực người dùng của Chữ ký số.
- Khóa Bảo mật: Dùng để tạo Chữ ký số.
Hiện nay, các doanh nghiệp coi Chữ ký số như một công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh, đảm bảo an toàn cho giao dịch qua internet, nó giải quyết toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp doanh nghiệp yên tâm với giao dịch của mình.
Chứng thư số là gì?
Chứng thư số là một loại chứng thư điện tử do tổ chức dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp. Có thể được xem chứng thư số như là một “chứng minh thư” của doanh nghiệp dùng trong môi trường của internet và máy tính.
Sử dụng chứng thư số để nhận diện một máy chủ, một cá nhân hay là một số đối tượng khác và quan trọng là gắn định danh của đối tượng đó với một public key, được cấp bởi tổ chức có thẩm quyền xác định nhận danh và có quyền cấp chứng thư số.
Tổ chức cấp phải bao gồm các nội dung:
- Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số
- Tên của thuê bao; số hiệu chứng thư số
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số
- Khóa công khai của thuê bao
- Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số
- Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số...
Quy định về chữ ký số và chứng thư số
Theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số như sau:
Chứng thư số cấp cho chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.
Chữ ký số của đối tượng được cấp chứng thư số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp chứng thư số.
Về giá trị pháp lý của chữ ký số
Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
Về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau
- Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khoá công khai ghi trên chứng thư số đó
- Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số.
- Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan,
- Tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.
Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam
Có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
Điều kiện sử dụng chứng thư số nước ngoài là:
- Chứng thư số còn hiệu lực sử dụng
- Được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam hoặc chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Trường hợp sử dụng chứng thư số nước ngoài cho máy chủ và phần mềm không cần giấy phép.