Đã là doanh nhân thì cần phải giỏi 2 việc: Việc lớn và việc nhỏ
Câu chuyện ẩn chứa lời khuyên bạc tỷ của doanh nhân Đỗ Thùy Dương
Mùa hè 2018, tôi đến Oxford (UK) để tham dự chuỗi hoạt động của Quỹ The Rhodes Trust về Đầu tư tạo tác động và Lãnh đạo tạo thay đổi.
Tại đây, tôi có nhân duyên được gặp và nghe Ông John McCall MacBain (người mới tặng đại học Mc Gill 200 triệu đô để xây dựng quỹ học bổng nhằm góp phần tạo ra thế hệ lãnh đạo mới cho Canada và thế giới).
Trong 90 phút thảo luận với gần 100 người tham dự đến từ 45 quốc gia khác nhau, John đã chia sẻ một tờ giấy A4 bình thường mà tôi giữ đến tận bây giờ bao gồm cái mà ông tự đặt tựa đề là "vài lời khuyên ngẫu nhiên từ một doanh nhân thành công" với 50 điểm nhỏ. Tôi không nhớ được hết phần giải thích chi tiết của ông, nhưng có những thứ đi sâu vào tâm trí tôi ngay lúc đó (và cũng là lý do tôi quý tờ giấy photo đó bởi nó gợi nhớ khoảng khắc mình học được những điều thú vị) và tôi sẽ chia sẻ lại. Hy vọng giúp các bạn trẻ được ít nhiều.
1. Busyness khởi nguồn từ busy, nếu không muốn bận rộn thì đừng làm kinh doanh và Laziness (lười biếng) là căn bệnh đáng sợ nhất của dân business
Tại sao tôi nhớ bài này, bởi thời điểm đó tôi đang say sưa với hoạt động xã hội và bắt đầu lười làm kinh doanh. Sau khi nhận ra điều này, tôi trở về Việt Nam và tìm đối tác bàn giao luôn công ty để có thể tập trung vào hoạt động xã hội mà mình đã cam kết.
2. Đừng yêu doanh nghiệp của mình mù quáng, đừng đặt tên của bạn gắn với doanh nghiệp của bạn.
Doanh nghiệp không phải là cuộc đời của bạn, không phải là lẽ sống của bạn. Không dễ để tìm kiếm và xây dựng một doanh nghiệp tốt. Nhưng đời thay đổi và bạn vẫn phải sống.
3. Có hai điều một doanh nhân cần phải giỏi: Việc lớn và việc nhỏ. Việc lớn là nghĩ lớn, tầm nhìn rộng, khát vọng cao xa. Còn việc nhỏ là đọc được những chi tiết trong báo cáo tài chính, hiểu được những khe hẹp trong pháp luật và nhìn ra những chi tiết có thể phát sinh rủi ro trong hệ thống còn lại thì thuê người
4. Đã là doanh nhân thì suốt đời bán hàng và luôn luôn bán hàng.
Cái này thì tôi có trải nghiệm, tôi đã chứng kiến "những người bán hàng vĩ đại" dưới cái mũ đại sứ, thủ tướng và tổng thống của những quốc gia giàu mạnh. Nên không có gì phải xấu hổ khi bạn đi bán hàng dù danh thiếp của bạn in chữ gì.
5. Tập trung
John nhắc lại và in hoa, in đậm từ này nhiều lần trong 50 điểm. Ông giải thích rằng hãy quan sát xem mọi người đi đâu, làm gì, nhưng đừng đi theo họ và đừng làm theo họ (đừng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào). Rồi thì tìm kiếm những ý tưởng mới, cách nghĩ mới, cách nhìn vấn đề mới, để rồi lựa chọn và TẬP TRUNG với tất cả sự chú tâm (tất nhiên ông cũng giải thích khi nào thì cắt lỗ, khi nào phải thích ứng, khi nào phải dừng lại) nhưng với những trường hợp lạc quan hơn thì ông nhấn mạnh rằng: Khi tư duy về hoạt động kinh doanh của bạn, hãy nghĩ về nó như một nghề, như một ngành, ở tầm quốc gia, tầm khu vực, rồi tầm thế giới. Đừng đa dạng hoá và phân tán, hãy tập trung để trở thành người giỏi nhất (Cái này thì các bác Israel cũng khuyên mình, làm một thứ bán cho cả thế giới, hơn là làm cả thế giới và bán cho một vài người)
Tất nhiên là mục tiêu và lựa chọn chiến lược rất khác nhau. Tôi chỉ trình bày những gì phù hợp với bản thân mình và đã tự mình trải nghiệm tính đúng đắn của những lời khuyên này. Rất có thể không hợp với bạn. 2 trong 45 lời khuyên còn lại của John là: "Hãy làm theo những gì bạn khuyên nhủ người khác" và "đừng làm những gì người khác khuyên nhủ bạn".
Theo cafebiz