Những Lưu Ý Khi Thành Lập Doanh Nghiệp
Các nhà đầu tư trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp phần lớn đều gặp phải những khó khăn trong các bước làm thủ tục hay các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp. Sau đây, chúng tôi sẽ nêu ra những điểm cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp.
1. Tên công ty
- Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã được đăng ký trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Để tránh trùng lặp với các doanh nghiệp khác đang hoạt động, theo xu hướng các công ty mới thành lập thường đặt tên doanh nghiệp dài hơn hay tên doanh nghiệp bằng các chữ cái (có thể ghép bằng tiếng anh).
- Tên doanh nghiệp phải viết được bằng Tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai yếu tố bao gồm: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
2. Địa chỉ trụ sở chính
- Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm giao dịch và liên lạc của doanh nghiệp, phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định bao gồm số nhà, tên đường, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thu điện tử (nếu có).
- Nếu nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hay chưa có tên đường thì phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, nếu địa chỉ dự định thuê làm trụ sở văn phòng trong tòa nhà, bạn nên kiểm tra xem giấy tờ căn hộ đó có chức năng thương mại/ làm văn phòng hay không trước khi tiến hành ký hợp đồng thuê.
3. Vốn điều lệ của Công ty
- Là tổng số tài sản, tiền mà các thành viên/ cổ đông, chủ sở hữu góp hoặc cam kết góp trong vòng 90 ngày để doanh nghiệp hoạt động. Do doanh nghiệp tự đăng ký và không cần phải chứng minh.
- Hiện nay pháp luật không có quy định số vốn tối thiểu hoặc tối đa (trừ một số ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định như: kinh doanh bất động sản: 20 tỷ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ: 2 tỷ, kinh doanh dịch vụ bảo vệ: 2 tỷ). Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định thì các bạn lưu ý khi đăng ký doanh nghiệp vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp cần bằng hoặc lớn hơn so với vốn pháp định.
4. Loại hình doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật thì có các loạ hình doanh nghiệp phổ biến sau:
- Công ty tư nhân: một cá nhân làm chủ (những người mới thành lập doanh nghiệp ít lựa chọn loại hình doanh nghiệp này vì tính rủi ro về mặt pháp lý cao)
- Công ty hợp danh: được thành lập bởi ít nhất 2 thành viên hợp danh (có thể có thành viên góp vốn)
- Công ty TNHH một thành viên: là công ty có 1 cá nhân hay 1 tổ chức làm chủ (có thể thuê, mướn người đại diện pháp luật)
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: là công ty bao gồm từ 2 cá nhân/ tổ chức trở lên nhưng không quá 50 cá nhân/tổ chức (có thể thuê, mướn người đại diện pháp luật)
- Công ty cổ phần: được thành lập bởi tối thiểu 3 cổ đông sáng lập
Từ những đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp trên mà các doanh nghiệp căn cứ vào các điều kiện và mong muốn của mình để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.
5. Ngành nghề kinh doanh
Theo quy định, doanh nghiệp có quyền kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm và cần đăng ký với cơ quan Đăng ký kinh doanh trước khi hoạt động.
Sau đây là các nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn ngành, nghề kinh doanh:
– Người thành lập doanh nghiệp được quyền tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và sau đó ghi mã ngành, nghề theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh;
– Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký;
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề này chỉ được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh này kể từ khi đảm bảo đầy đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
6. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
- Giấy đề nghị ĐKKD.
- Danh sách sáng lập viên.
- Điều lệ của Công ty (nếu loại hình doanh nghiệp bạn lựa chọn có điều lệ)
- Xác nhận ký quỹ của Ngân hàng (nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu có vốn pháp định)
- Chứng chỉ hành nghề của một trong các chức danh quản lý (nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề).
- Giấy phép cho phép kinh doanh: Đây là trường hợp doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề như xuất bản,... cần xin giấy phép con trước khi ĐKKD.
Sau bài viết trên đã đưa ra các điều cần lưu ý khi chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp. Đây là những lưu ý mà các nhà đầu tư nên xác định rõ trước khi đến việc chuẩn bị hồ sơ để đăng ký giấy phép kinh doanh.