Thông Tin Mới Nhất Về Thủ Tục Thay Đổi Giấy Phép Kinh Doanh

Bạn đang muốn thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh mà không biết thủ tục theo luật mới nhất ra sao? Không biết thay đổi đăng ký kinh doanh ở đâu? Không biết thay đổi những nội dung nào thì cần phải thay đổi giấy phép kinh doanh/thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư? Không biết sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh thì cần phải thực hiện những thủ tục gì liên quan đến thuế, hoá đơn, ngân hàng, hợp đồng, và những cơ quan liên quan. Sau đây sẽ là những thông tin bổ ích đối với quý bạn đọc để giải quyết thắc mắc cho vấn đề trên.
 

Những trường hợp cần thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh/Thay đổi giấy chứng nhận đầu/Thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh/Thay đổi giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh/VPĐD/ĐĐKD

 

 

Trường hợp 1:

Khi doanh nghiệp phát sinh những thay đổi những nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như:
- Thay đổi tên công ty;
- Thay đổi địa chỉ công ty;
- Thay đổi vốn điều lệ công ty: Tăng vốn điều lệ công ty hoặc giảm vốn điều lệ công ty;
- Thay đổi thông tin trên CMND/CCCD/Hộ chiếu về chủ sở hữu, cổ đông/thành viên góp vốn;
- Thay đổi người đại diện pháp luật/thay đổi giám đốc;
- Thay đổi thành viên/cổ đông góp vốn;
- Thay đổi thông tin CMND của giám đốc công ty;
- Thay đổi bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh;
- Thay đổi những thông tin khác hiển thị trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư (giấy phép đầu tư)/Giấy phép kinh doanh;

Trường hợp 2:

Khi doanh nghiệp/Cơ sở kinh doanh phát sinh thay đổi những nội dung hiển thị trên các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện thì bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Các loại giấy phép bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể; Nơi đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc ủy ban nhân dân cấp Quận/Huyện sở tại;
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Cơ quan cấp là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các cơ quan được ủy quyền cấp;
- Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Cơ quan cấp là Cục an toàn thực phẩm;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; Cục cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sở tại;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Cơ quan cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sở tại.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng khám; Cơ quan cấp Sở y tế Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép sản xuất thuốc thú y; Nơi cấp Cục thú y sở tại;
- Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ (tin học); Nơi cấp Sở giáo dục Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép dạy nghề của cơ sở; Nơi cấp Sở lao động thương binh và Xã hội tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép kinh doanh nhập khẩu; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép quảng cáo; Nơi cấp Sở văn hóa thông tin và truyền thông;
- Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm;
- Giấy phép bán buôn rượu; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép bán lẻ rượu; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nơi cấp Sở Giao thông vận tải Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép khuyến mãi theo chương trình; Nơi cấp Sở công thương Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động; Nơi cấp Sở lao động thương binh và Xã hội tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; Nơi cấp Sở văn hóa thể thao và du lịch Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; Nơi cấp Sở văn hóa thể thao và du lịch Tỉnh/Thành phố sở tại; (Và còn nhiều loại Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Giấy phép khác).
- Khi có phát sinh những thay đổi nội dung trên thì doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh cần thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh/thay đổi giấy phép đầu tư/thay đổi đăng ký kinh doanh để phù hợp với nhu cầu hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp tránh bị xử phạt vi phạm hành chính phiền hà cho doanh nghiệp.

Thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh cần những giấy tờ/thông tin gì?

 
 

Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh sẽ cần những thủ tục giấy tờ phụ thuộc vào việc thay đổi cụ thể của từng trường hơp. Tuy nhiên các bạn hãy hiểu theo tiêu chí sau: Nếu doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh phát sinh thay đổi liên quan đến nội dung gì thì mình cung cấp thông tin, hồ sơ giấy tờ liên quan đến nội dung cần thay đổi đó.
- Trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên công ty thì cần cung cấp tên mới của doanh nghiệp. Tên mới của doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chí không bị trùng với các doanh nghiệp đã đặt trước đó. Bạn cần phải tham khảo cách đặt tên doanh nghiệp và thực hiện việc tra cứu chính xác tên doanh nghiệp cần đặt.
- Trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi vốn điều lệ (bao gồm tăng vốn điều lệ hoặc giảm vốn điều lệ, lưu ý công ty TNHH 1 thành viên không được giảm vốn điều lệ): Cần cung cấp cơ cấu sở hữu vốn của mỗi thành viên sau khi thay đổi là bao nhiêu %, và Tổng vốn điều lệ sau khi thay đổi là bao nhiêu. Ngoài ra cần thêm giấy tờ tùy thân có chứng thực của thành viên mới thêm vào công ty. Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ khác nhau nên việc thay đổi vốn điều lệ sẽ khác nhau.
- Trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi địa chỉ cần cung cấp địa chỉ mới chính xác; Địa chỉ mới không thuộc khu quy hoạch, không thuộc khu vực bị hạn chế hoạt động đối với một số ngành nghề kinh doanh, không thuộc chung cư có chức năng để ở. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị hợp đồng/thỏa thuận thuê địa điểm kinh doanh.
- Trường hợp doanh nghiệp muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh thì cần cung cấp danh sách ngành nghề kinh doanh dự tính đăng ký theo danh mục ngành nghề kinh doanh; Ngoài ra doanh nghiệp cần xác định ngành nghề kinh doanh dự tính bổ sung có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Có đủ điều kiện để đăng ký hay không? Rồi mới tiến hành đăng ký bổ sung được.

Có thay đổi con dấu doanh nghiệp khi thay đổi giấy phép kinh doanh?

 

 

- Phải thay đổi con dấu trong các trường hợp thay đổi giấy phép kinh doanh, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi đăng ký kinh doanh mà dẫn đến thay đổi thông tin trên con dấu như: Mã số thuế, tên công ty bị thay đổi, thay đổi địa chỉ công ty khác quận/huyện.
- Ngoài ra đối với các công ty đã thành lập từ lâu mà trên giấy phép kinh doanh có số chứng nhận đăng ký kinh doanh khác với mã số thuế thi khi thay đổi giấy phép bắt buộc phải cập nhật mã số thuế vào GPKD nên phải đổi con dấu theo thông tin đó.
- Hiện tại theo quy định mới nhất của luật thì doanh nghiệp được quyền khắc mới và sử dụng nhiều con dấu để đáp ứng được cho nhiều địa điểm cần sử dụng con dấu. Đây là điểm tích cực nổi bật của luật doanh nghiệp mới nhất.

Một số lưu ý quan trọng khác

 

 

Đăng bố cáo doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh 

Khi thay đổi giấy phép kinh doanh hay đăng ký mới giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp cần bắt buộc làm thủ tục công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện sẽ chịu mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điều trên.

Thay đổi địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp 

Để công việc kinh doanh được thuận tiện hơn hay do nhu cầu phát triển thị trường mới mà doanh nghiệp muốn thay đổi địa chỉ công ty ở trụ sở chính, Doanh nghiệp cần biết được thủ tục pháp lý như: Địa chỉ dự định chuyển đến có phù hơp với quy định pháp luật, Thay đổi địa chỉ khác quận cần chuyển hồ sơ thuế và thay đổi con dấu doanh nghiệp, thay đổi địa chỉ cùng quận thì không cần thay đổi con dấu, thủ tục, cách thức thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp

Do nhu cầu mở rộng hay thu hẹp lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có thể cắt giảm hay bổ sung ngành nghề kinh doanh trên giấy phép kinh doanh, do vậy doanh nghiệp cần biết được ngành nghề kinh doanh nào phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, ngành nghề nào là ngành kinh doanh có điều kiện và không có điều kiện để tiến hành thủ tục đăng ký theo đúng trình tự pháp luật và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Thay đổi tên công ty doanh nghiệp 

- Tên doanh nghiệp định hình thương hiệu doanh nghiệp, tuy nhiên do nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp muốn thay đổi tên doanh nghiệp và cần lựa chọn một cái tên khác phù hợp với nhu cầu kinh doanh.
- Ngoài việc lựa chọn được tên doanh nghiệp ưng ý và hợp pháp thì chủ doanh nghiệp cũng phải nắm được những vấn đề thay đổi đi kèm như: Phải thay đổi con dấu doanh nghiệp, thay đổi thông tin hóa đơn, thông báo đến cơ quan quản lý thuế, thông báo đến ngân hàng, thông báo đến đối tác để việc thay đổi tên doanh nghiệp không gây trở ngại trên bước đường kinh doanh sau này.

Hồ sơ thay đổi, tăng giảm vốn điều lệ

- Việc thay đổi tăng/giảm vốn điều lệ doanh nghiệp cũng cần nắm rõ để ra quyết định được phù hợp, doanh nghiệp có biết được những loại hình doanh nghiệp nào được tăng/ giảm vốn điều lệ? loại hình doanh nghiệp nào thì không được giảm vốn điều lệ? đó là những điểm được quy định rõ trong luật để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mình.
- Việc tăng giảm vốn điều lệ doanh nghiệp cũng cần cân nhắc tương xứng với những ngành nghề kinh doanh hoạt động hiện tại của doanh nghiệp vì còn liên quan đến mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu mức vốn tối thiểu, còn rất nhiều vấn đề liên quan tùy thuộc vào từng điều kiện của doanh nghiệp.

Hồ sơ thay đổi cơ cấu vốn góp, cơ cấu thành viên

- Việc thay đổi cơ cấu phần vốn góp là điều diễn ra thường xuyên trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp muốn mở rộng/thu hẹp quy mô hoạt động hay chỉ đơn giản là thành viên có nhu cầu góp thêm hoặc giảm vốn.
- Tuy nhiên trước khi thay đổi cơ cấu phần vốn góp hoặc thay đổi thành viên thì doanh nghiệp cũng cần lưu ý những vấn đề sau: Vấn đề sở hữu vốn tối thiểu để trở thành người có quyền chi phối trong cuộc họp. Vấn đề tăng thêm thành viên góp vốn thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp…

Hồ sơ thay đổi thông tin thành viên

Thông tin thành viên thay đổi về CMND, hộ chiếu, hộ khẩu, địa chỉ…, do vậy doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi cập nhật kip thời lên giấy phép kinh doanh để công việc thuận tiện hơn khi đi làm việc hoặc giao dịch với đối tác, ngân hàng, cơ quan nhà nước. Tránh trường hợp thông tin trên CMND, hộ khẩu, khác với thông tin mới trên CMND/căn cước công dân hoặc hộ chiếu nên việc giao dịch sẽ khó khăn làm ảnh hưởng đến công việc của các bạn.

Hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

- Trước khi thay đổi loại hình doanh nghiệp thì các bạn cũng phải nắm được loại hình doanh nghiệp hiện tại cũng như loại hình doanh nghiệp dự kiến chuyển đổi, bởi mỗi loại hình doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức khác nhau nên cách thức quản lý cũng khác nhau.
- Khi thay đổi số lượng thành viên góp vốn trong công ty sẽ có những trường hợp dẫn tới thay đổi loại hình doanh nghiệp, trong trường hợp này bạn cũng cần thực hiện thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp bằng việc thực hiện thay đổi giấy phép kinh doanh, vì trên giấy chứng nhận doanh nghiệp có ghi thông tin của loại hình doanh nghiệp nên cần thay đổi theo.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về một số thông tin quan trọng cần lưu ý đối với thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Hy vọng qua bài viết này các quý bạn sẽ nắm và biết cách vận dụng chính xác cho thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục và thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất  để quý bạn tiện theo dõi. Chúc các bạn sức khỏe và thành công!