0916 636 419 ketoan@vienketoan.vn
Trang chủ Thành Lập Doanh Nghiệp Loại hình công ty nào phù hợp để lựa chọn khi thành lập công ty

Loại hình công ty nào phù hợp để lựa chọn khi thành lập công ty

Để bắt đầu hoạt động kinh doanh, bạn không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp, công ty. Tuy nhiên việc đầu tư kinh doanh luôn cần được đảm bảo an toàn và có ràng buộc về mặt pháp lý, được thực hiện dưới một hình thức pháp lý nhất định. Bạn không thể kinh doanh lớn với tư cách cá nhân hoặc sẽ bị gặp các rắc rối về mặt pháp lý.
 
Một số lợi ích cơ bản của thành lập công ty, doanh nghiệp như:
  • Khi thành lập công ty, những người sáng lập nên công ty sẽ có quyền quyết định, quyền quản lý mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty đó.
  • Việc thành lập công ty sẽ giúp việc hoạt động kinh doanh, sản xuất có khả năng được mở rộng, sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn so với những quy mô kinh doanh, sản xuất nhỏ khác.
  • Khi thành lập công ty sẽ có được những ưu đãi và các quyền lơi theo quy định của pháp luật.
  • Khi thành lập công ty sẽ mang đến những thuận lợi cho việc quản lý sản xuất kinh doanh, hệ thống rõ ràng giúp công ty hoạt động tốt hơn.
 
Ngoài ra, để giải thích cho việc tại sao phải thành lập công ty thì nó cũng xuất phát từ niềm đam mê. Rất nhiều người chia sẻ việc thành lập công ty đã giúp họ trưởng thành, bản lĩnh hơn, học hỏi được nhiều thứ hơn.

Để lựa chọn được một mô hình, một loại hình công ty phù hợp với nhu cầu của mình, người thành lập công ty cần nắm rõ từng loại hình công ty theo quy định của pháp luật. Cụ thể sau đây:
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được pháp luật thừa nhận. Chủ sở hữu công ty và công ty là hai thực thể pháp lý riêng biệt. Trước pháp luật, công ty là pháp nhân, chủ sở hữu công ty là thể nhân với các quyền và nghĩa vụ tương ứng với quyền sở hữu công ty.
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có không quá 50 thành viên cùng góp vốn thành lập và công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác trong phạm vi nghĩa vụ tài sản của công ty. 
 
Phân loại công ty Trách nhiệm hữu hạn?
 
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên:
 
Là doanh nghiệp trong đó thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp.
 
Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không vượt quá 50. Công ty Trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên phải có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên,
 
Giám đốc. Công ty Trách nhiệm hữu hạn có trên mười một thành viên phải có Ban kiểm soát.
 
2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
 
Là hình thức đặc biệt của công ty Trách nhiệm hữu hạn. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
 
 
Ưu điểm và nhược điểm của công ty Trách nhiệm hữu hạn?
 
Ưu điểm:
 
Được quyền quyết định mọi vấn đề của công ty đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nếu là công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên cũng không quá phức tạp vì các thành viên không nhiều và thông thường cũng quen biết nhau do đó cũng rất dễ điều hành, quản lý.
 
Vì là loại hình trách nhiệm hữu hạn nên các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phần vốn góp vào công ty, không liên quan gì tới tài sản cá nhân, hạn chế được rủi ro.
 
Đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thì có thể xuất hiện chuyển nhượng vốn, được pháp luật quy định chặt chẽ nên hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát, người lạ khó có thể chen chân vào điều hành công ty.
 
Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn dễ dàng hơn so với Doanh nghiêp tư nhân (DNTN).
 
Nhược điểm:
 
Số lượng thành viên bị giới hạn, không được vượt quá 50 thanh viên.
 
Không được phép phát hành cổ phiếu để huy động vốn nên bị hạn chế với việc huy động con số lớn trong thời gian ngắn.
 
Uy tín trước đối tác sẽ bị ảnh hưởng vì chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, nếu quy mô kinh doanh chưa lớn thì việc này gần như rất ít gây ra ảnh hưởng tiêu cực.
 
 2. Công ty Cổ phần. 
 
Công ty Cổ phần là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó. Vốn của công ty được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và được phát hành huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
 
Các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Để thành lập doanh nghiệp cổ phần cần tối thiểu là 3 cổ đông.
 
Các cá nhân, tổ chức với vai trò cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã đóng góp vào doanh nghiệp.
 
Ưu điểm và nhược điểm của công ty Cổ phần?
 
Ưu điểm:
 
Cũng giống công ty Trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm tài chính trong số vốn điều lệ đã đăng ký, nên mức độ rủi ro đối với các cổ đông không cao.
 
Công ty Cổ phần có thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
 
Thông qua việc phát hành cổ phiếu, công ty Cổ phần có thể kêu gọi đầu tư cũng như huy động vốn linh hoạt hơn.
 
Việc chuyển nhượng cổ phần của loại hình doanh nghiệp này rất dễ dàng, vì vậy rất thuận lợi cho nhiều người cùng góp vốn. Hơn nữa, cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty Cổ phần, từ đó đa dạng đối tượng cổ đông tham gia.
 
Công ty Cổ phần có tư cách pháp nhân nên cũng tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Việc huy động vốn dễ dàng, giúp công ty Cổ phần có thể mở rộng phạm vi, lĩnh vực kinh doanh.
 
Công ty Cổ phần được quản lý bởi Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty, từ đó các quyết định được trao đổi, bàn bạc khách quan, giúp hạn chế những rủi ro, cũng như xác định phương hướng phát triển chính xác hơn.
 
Nhược điểm:
 
Công ty Cổ phần có sự ràng buộc chặt chẽ về luật pháp cũng như chế độ tài chính, kế toán. Vì vậy, việc thành lập công ty Cổ phần gặp nhiều khó khăn hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
 
Được thành lập bởi nhiều cổ đông nên việc quản lý cũng như điều hành rât phưc tap, công ty gặp nhiều khó khăn; co thê co sư phân hóa cô đông thanh nhiêu nhom đôi khang vê lơi ich.
 
Mọi quyết định quan trọng của công ty Cổ phân phải thông qua sự nhất trí của HĐQT. Vì vậy, nhiều vấn đề không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận cũng như hoạt động kinh doanh, sản xuất.
 
3. Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
 
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
 
Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân.
 
Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
 
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác làm giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
 
Doanh nghiệp tư nhân vẫn có mã số thuế, con dấu tròn doanh nghiệp và vẫn được quyền in và phát hành các loại hóa đơn, thực hiện các chế độ kế toán hiện hành theo luật doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp tư nhân không có điều lệ công ty.
 
Ưu điểm và nhược điểm của loại hình Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
 
Ưu điểm:
 
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên người chủ sở hữu này hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh.
 
Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.
 
Nhược điểm:
 
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
 
Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân cao, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
 
Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
4. Hộ kinh doanh cá thể?
 
Hộ kinh doanh cá thể thực ra cũng giống như là một loại hình doanh nghiệp được thu nhỏ, vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Gọi là loại hình doanh nghiệp thu nhỏ vì pham vi kinh doanh của nó nhỏ hẹp trong huyện, quận.
 
Hộ kinh doanh cá thể do 1 cá nhân duy nhất hoặc 1 hộ gia đình kinh doanh. Số đông muốn góp vốn kinh doanh sẽ phải cùng nhau thành lập doanh nghiệp. Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
 
Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Ưu điểm và nhược điểm của loại hình hộ kinh doanh cá thể?
 
Ưu điểm:
 
Hộ kinh doanh hoàn toàn chủ động trong việc quyết định loại hình kinh doanh cũng như các hoạt động khác của doanh nghiệp.
 
Hộ kinh doanh không chịu sự ràng buộc chặt chẽ về pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác. Vì vậy, mọi hoạt động kinh doanh đều được xây dựng trên uy tín của cá nhân đối với đối tác và khách hàng.
 
Nhược điểm:
 

Trong quá trình hoạt động, những rủi ro về tài chính của hộ kinh doanh sẽ phải đền bù bằng toàn bộ tài sản chứ không trong phạm vi vốn điều lệ như công ty Trách nhiệm hữu hạn hay công ty Cổ phần.
 
Một trong những ưu điểm của tư cách pháp nhân là có sự tách bạch về tài sản cũng như khả năng chịu trách nhiệm khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên tỷ lệ rủi ro của hộ kinh doanh là khá cao.
 
Hộ kinh doanh không có quyền phát hành cổ phiếu cũng như trái phiếu. Vì vậy, việc huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này cũng gặp nhiều hạn chế.
 
Ngoài ra, còn có mô hình công ty - doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên trong khuôn khổ nội dung này chúng tôi không nêu
ra vì mô hình doanh nghiệp đó không dành cho tư nhân, bộ máy lãnh đạo sẽ do nhà nước chỉ định.

 
Copyright © 2018 by VIỆN KẾ TOÁN VIỆT NAM

Liên hệ Tư vấn (24/7)0916.636.419