6 Trường Hợp Không Có Quyền Thành Lập Doanh Nghiệp Của Các Cá Nhân Và Tổ Chức
Những quy định về việc thành lập doanh nghiệp ở nước ta đã được Pháp luật quy định rõ tại Khoản 1, Điều 18, Luật doanh nghiệp 2014. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng, lợi ích xã hội cũng như các bên liên quan, Nhà nước ta đã xác định rõ 6 trường hợp không có quyền thành lập doanh nghiệp, bao gồm: người chưa thành niên, người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự,... Hãy cùng Viện Kế Toán tìm hiểu kỹ những quy định trên để luôn tuân thủ theo Pháp luật nhé!
Trường hợp 1
Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
Tài sản của nhà nước, công quỹ được hiểu là:
-
Tài sản được mua sắm bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước;
-
Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước;
-
Đất được giao để sử dụng theo chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
-
Tài sản và thu nhập khác từ việc sử dụng các tài sản và kinh phí nói trên;
-
Kinh phí được tài trợ bởi chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình là việc sử dụng thu nhập có được dưới mọi hình thức từ hoạt động kinh doanh vào ít nhất một trong các mục đích sau đây:
-
Chia dưới mọi hình thức cho một số người hoặc tất cả những người sau đây: cán bộ, công chức viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam.
-
Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
-
Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
Trường hợp 2
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức, viên chức không những không được phép thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp mà còn không được phép kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp 3
Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trường hợp 4
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
Trường hợp 5
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Trường hợp 6
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 130 Luật phá sản quy định: “Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản“.
Những trường hợp không có quyền thành lập quản lý doanh nghiệp cũng được quy định tại Điều 39 Luật phòng, chống tham nhũng.
Như vậy ngoài 6 trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 18, Bộ Luật doanh nghiệp 2014, mọi cá nhân và tổ chức đều có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp quý độc giả nắm bắt rõ hơn về các quy định về việc thành lập doanh nghiệp để sống và làm việc theo Pháp luật.