Những loại thuế văn phòng đại điện cần nộp
Các khoản thuế cụ thể mà văn phòng đại diện phải nộp phải tuân theo quy định của pháp luật là gì? Theo dõi ngay để biết thông tin chi tiết
I. Văn phòng đại diện có phải nộp thuế môn bài không?
Nếu văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp thuế môn bài còn không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp thuế môn bài.
Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định người nộp lệ phí môn bài như sau:
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật
[...]
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có) [...]
Tức là văn phòng đại diện của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế môn bài.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định:
6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Đồng thời, Điều 30 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP cũng nêu, văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện.
Song, có thể thấy rằng, văn phòng đại diện vẫn thực hiện hoạt động giao dịch với khách hàng (đây là một công đoạn của hoạt động kinh doanh).
Vì vậy, việc nộp lệ phí môn bài của văn phòng đại diện được chia thành 02 trường hợp:
- Nếu văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài;
- Nếu văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài.
Theo điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện là 01 triệu/năm (trường hợp thành lập vào 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm).
II. Văn phòng đại diện có phải nộp thuế GTGT không?
Văn phòng đại diện không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ mang tính chất đại diện cho doanh nghiệp thì không phát sinh nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) .
Tại Điều 3, Điều 4 Luật Thuế GTGT quy định như sau:
Điều 3. Đối tượng chịu thuế
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.
Điều 4. Người nộp thuế
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).
Mà văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền, không có chức năng kinh doanh, nên không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Văn phòng đại diện không có hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có doanh thu nên không cần thực hiện thủ tục kê khai thuế. Công ty sẽ thực hiện việc kê khai tập trung tại trụ sở chính. Những chi phí đầu vào liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện sẽ được công ty kê khai và khấu trừ thuế GTGT nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.
III. Văn phòng đại diện có phải nộp thuế TNCN không?
Nếu văn phòng đại diện không ký hợp đồng lao động, không trả lương cho người lao động thì văn phòng đại diện không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Khoản 3 Điều 19 Thông tư 80/2021/TT- BTC quy định:
3. Khai thuế, nộp thuế:
a) Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công:
a.1) Người nộp thuế chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính, thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo quy định và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 05/KK-TNCN, phụ lục bảng xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho các địa phương được hưởng nguồn thu theo mẫu số 05-1/PBT-KK-TNCN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi người lao động làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này. Số thuế thu nhập cá nhân xác định cho từng tỉnh theo tháng hoặc quý tương ứng với kỳ khai thuế thu nhập cá nhân và không xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, trong trường hợp văn phòng đại diện không ký hợp đồng lao động và không trả lương cho nhân viên, mà doanh nghiệp ký hợp đồng lao động và chi trả toàn bộ tiền lương, tiền công của nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện, thì văn phòng đại diện sẽ không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), mà doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế TNCN theo quy định.
Trong trường hợp Công ty trực tiếp ký hợp đồng lao động và chi trả cho nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện, thì công ty sẽ có trách nhiệm kê khai và khấu trừ, nộp thuế thu nhập cá nhân tập trung tại công ty.
Nguồn: Phòng pháp lý Viện Kế Toán
Tin liên quan :
Thành lập công ty
Dịch vụ kế toán
ĐÀO TẠO KẾ TOÁN