Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh, mô hình nào có lợi hơn là câu hỏi của nhiều người khi đi vào khởi nghiệp. Hãy cùng phân tích rõ vấn đề này để xem mô hình nào phù hợp với dự định của bạn.

1. Thành lập công ty là gì?


Thành lập công ty, mở một công ty hay đăng ký doanh nghiệp là việc một hay nhiều cá nhân cùng góp vốn để hình thành một mô hình kinh doanh có tư cách pháp nhân hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước. Đại diện pháp nhân của công ty là người đại diện pháp luật của công ty, đại diện pháp lý của công ty là con dấu của công ty, mọi giao dịch của công ty chỉ được xác nhận khi có chữ ký của người đại diện pháp luật và đóng dấu tròn công ty.
Thành lập công ty là mô hình khá phổ biến hiện nay.

2. Đăng ký hộ kinh doanh là gì?

Đăng ký hộ kinh doanh cũng là hình thức mở một mô hình kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ. Hộ kinh doanh cũng là một tổ chức kinh tế hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước,luật doanh nghiệp.
Như vậy cả việc đăng ký thành lập công ty hay hộ kinh doanh đều có mục đích phục vụ cho công việc kinh doanh của người làm chủ. Tuy nhiên mỗi mô hình có những đặc thù, ưu điểm và nhược điểm sau đây:

1. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh đơn giản hơn thành lập công ty cụ thể:

Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

Bản sao công chứng bản chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứng chỉ hành nghề (Nếu có) và bản sao giấy tờ nhà (Hợp đồng thuê nhà nếu là nhà đi thuê) rồi điền thông tin vào giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu của UBND quận/huyện nơi đăng ký mà không cần soạn thảo bộ hồ sơ như đăng ký doanh nghiệp
- Cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là UBND quận/huyện nơi đặt địa chỉ trụ sở của hộ kinh doanh. Thuận tiện cho việc đi lại của người đi đăng ký

Thủ tục thành lập công ty:

Để thực hiện thủ tục thành lập công ty, người đi đăng ký cần tham khảo bộ hồ sơ thành lập công ty đầy đủ của sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi đặt địa chỉ công ty, soạn thảo và chuẩn bị giấy tờ chứng thực cá nhân bản sao công chứng của tất cả các thành viên góp vốn đồng thời tiến hành nộp hồ sơ qua mạng và nhận kết quả bằng bản giấy tại sở kế hoạch đầu tư khi hồ sơ được chấp thuận.

2. So sánh về tư cách pháp nhân của công ty và hộ kinh doanh

Công ty là mô hình có tư cách pháp nhân cao hơn so với hộ kinh doanh thể hiện ở việc Công ty có giấy phép và con dấu còn hộ kinh doanh chỉ có giấy phép mà không có con dấu. Xét về mặt kinh doanh, đối tác của bạn sẽ đánh giá cao hơn nếu bạn đang sở hữu một công ty hơn là sở hữu một hộ kinh doanh.

3. So sánh về việc xuất hóa đơn: 

Chỉ có công ty mới được phép xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT hay còn gọi là hóa đơn đỏ) mà hộ kinh doanh không được phép. Đây cũng là một thế mạnh của công ty so với hộ kinh doanh, bởi lẽ trong kinh doanh cần nhất là việc bán hàng hóa dịch vụ mà hầu hết đối tác của bạn đều là công ty và họ yêu cầu bạn phải xuất hóa đơn VAT khi họ mua hàng hóa dịch vụ của bạn.  Do vậy chỉ khi bạn đăng ký thành lập công ty thì mới đáp ứng được yêu cầu này.

4. Về Quy mô  kinh doanh: 

Nhà nước không có quy định giới hạn về đăng ký Quy mô của Công ty/Doanh nghiệp và số lượng lao động trong khi số lượng lao động của hộ kinh doanh theo quy định của nhà nước là phải ít hơn 10 người. Bên cạnh đó 1 công ty có thể được đăng ký nhiều hơn 1 người đại diện pháp luật có thể là giám đốc, tổng giám đốc...để đại diện công ty thực hiện các thủ tục pháp lý, ngược lại hộ kinh doanh chỉ được đăng ký 1 người là chủ hộ đứng tên.
Như vậy nếu bạn dự định thành lập một mô hình kinh doanh lớn thì bạn nên lựa chọn thành lập công ty để có thể sử dụng nhiều lao động.

5. Ngành nghề kinh doanh:

Ngành nghề kinh doanh của công ty được đăng ký không giới hạn về số lượng trong đó có một ngành nghề chính, công ty được phép xuất hóa đơn trên tất cả các ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký số lượng ngành nghề kinh doanh có giới hạn.

6.So sánh các quy định về thuế giữa hộ kinh doanh và công ty

Cả hộ kinh doanh và công ty đều được cấp mã số thuế sau khi thành lập,tuy nhiên các quy định về cách tính thuế của hai loại hình này hoàn toàn khác nhau.

- Tiền thuế môn bài phải nộp
Các mức thuế môn bài áp dụng cho hộ kinh doanh được quy định dựa trên doanh thu cụ thể như sau:
  • Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm mức thuế là 1.000.000đồng/năm
  • Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm mức thuế là 500.000 đồng/năm
  • Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm mức thuế là 300.000 đồng/năm
  • Đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế môn bài.
Các mức thuế môn bài áp dụng cho công ty được quy định dựa trên mức vốn điều lệ như sau:
  • Công ty có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng thuế môn bài là 3.000.000 đồng/năm
  • Công ty có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống thuế môn bài là 2.000.000 đồng/năm
- Cách tính thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh được áp dụng theo hình thức thuế khoán:

Đối với hộ kinh doanh có doanh thu khoán dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Đối với hộ kinh doanh có doanh thu khoán trên 100 triệu đồng/năm thì mức thuế giá trị gia tăng được tính theo phần trăm trên mức doanh thu khoán, từ 1 đến 5 phần trăm tùy vào từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

Thuế giá trị gia tăng của công ty sau khi thành lập được tính theo doanh thu, trong đó doanh nghiệp đăng ký các phương pháp kế toán như trực tiếp hay khấu trừ. Số tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ dựa trên sổ sách kế toán. Nhiệm vụ của kế toán là phải biết cân đối giữa doanh thu và chi phí để tiết kiệm tiền thuế cho doanh nghiệp
Như vậy, dựa trên những phân tích trên đây, có thể thấy được những ưu nhược điểm của mô hình công ty và hộ kinh doanh. Không thể nói răng mô hình nào có lợi hơn mô hình nào mà quan trọng là mô hình nào phù hợp với lựa chọn và định hướng kinh doanh của người kinh doanh.

Nếu  xác định mình kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô không lớn, kinh doanh trong khoảng 2,3 năm rồi chuyển qua ngành khác thì bạn nên lựa chọn thành lập hộ kinh doanh cả thể. Vì thủ tục thành lập hộ kinh doanh không quá phức tạp cũng như không phải xây dưng bộ máy kế toán cồng kềnh rất tiện cho các bạn để tập trung vào hoạt động kinh doanh.

Ngược lại, nếu bạn có dự định kinh doanh lâu dài, định hướng phát triển với quy mô rộng lớn, nhiều ngành nghề trong tương lai. Đặc biệt nếu bạn dự định kinh doanh những loại hình kinh doanh phổ biến như thương mại, sản xuất, xây dựng đây là những ngành đang cạnh tranh rất nhiều tại Việt Nam thì bạn nên lựa chọn  thành lập công ty sẽ tạo lợi thế cạnh tranh hơn giúp bạn có nhiều đối tác trong tương lai.