Có Nên Thành Lập Doanh Nghiệp Không?
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số lượng doanh nghiệp mới thành lập ngày càng tăng nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Trong số đó, phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ bùng nổ mạnh mẽ cũng góp phần làm tăng số lượng doanh nghiệp. Thế nhưng, cùng với sự gia tăng nhanh chóng đó thì số lượng doanh nghiệp giải thể hàng năm lên đến vài chục ngàn. Điều này cho thấy việc thành lập doanh nghiệp không hề đơn giản.
Xu hướng thành lập doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam
- Hiện nay khi các thủ tục thành lập công ty đã được nhà nước tiến hành hỗ trợ một cách tối đa để giảm được sự rườm rà cũng như những rắc rối không đánh có cho doanh nghiệp thì việc thành lập một công ty sẽ được tiến hành một cách vô cùng nhanh chóng. Thời gian hoạt động công ty càng sớm thì khả năng quay vòng vốn càng nhanh. Chính vì lẽ đó việc bạn đặt ra các mục tiêu để có thể sớm đưa công ty đi vào chính thức hoạt động là một việc hết sức nghiêm túc và cần được xem xét kĩ. Cách này sẽ thường được các nhà kinh doanh chuyên nghiệp áp dụng các bước kinh doanh một cách bài bản hoặc có thể một công ty mẹ thành lập một công ty con theo dự án.
- Đối với những bạn trẻ khi mới tiến hành bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mà đã bị vấp ngã hoặc gặp những khó khăn và vướng mắc thì khi đó họ cũng sẽ thận trọng hơn nhiều trong bước đường phía trước. Thời gian đầu khi mới tiến hành kinh doanh họ sẽ luôn muốn tìm kiếm một lượng khách hàng ổn định, họ tiến hành bán hàng với tư cách cá nhân trước để tạo uy tín. Khi mà lợi nhuận thu về có thể đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp thì họ sẽ quyết định thành lập công ty. Việc thành lập công ty lúc này là tất yếu vì khách hàng yêu cầu họ phải có hóa đơn VAT, nhà cung cấp cũng cần ký hợp đồng với bên có tư cách pháp nhân.
- Bên cạnh những người hoạt động kinh doanh buôn bán muốn tiến hành thành lập công ty để có thể mở rộng kinh doanh của họ thì vẫn sẽ có những người hoạt động kinh doanh như những nhà môi giới thì khi mà họ có một lượng khách hàng ổn định và doanh thu hoàn toàn đáp ứng được chi phí hoạt động thì họ vẫn không thành lập công ty. Vì sao vậy? Vì lĩnh vực họ hoạt động không cần thiết phải có tư cách pháp nhân, họ chủ yếu dựa trên thương hiệu cá nhân.
- Việc thành lập công ty phải xuất phát từ yêu cầu thực tế. Khó có một công ty nào mà tất cả các yếu tố đều thuận lợi 100%. Nhưng hãy yên tâm vì những tháng đầu thì công ty bạn phải đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, và doanh thu rất thấp nên việc nạp thuế là không đáng kể. Nếu bạn thấy việc kinh doanh có cơ sở thành công thì hãy bắt tay vào thực hiện. Việc chọn đúng thời điểm thành lập công ty cũng là một trong những yếu tố thành công. Nếu thành lập công ty trước khi những điều kiện chuẩn bị chưa đảm bảo thì nguy cơ thất bại và mang theo một món nợ là có khả năng.
Lợi ích của việc thành lập doanh nghiệp
Với môi trường kinh doanh khá đa dạng, năng động và phát triển như hiện nay kéo theo đó là ngày càng có nhiều cơ hội kinh doanh cho rất nhiều người cùng cạnh tranh thì việc thành lập doanh nghiệp sẽ mang lại vị trí, chỗ đứng cho người kinh doanh. Có thể kế đến những lợi ích của việc thành lập doanh nghiệp như:
- Pháp luật có những quy định cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp, dễ dàng giải đáp được những vướng mắc về thủ tục thành lập;
- Khi thành lập doanh nghiệp sẽ sử dụng con dấu riêng để ký kết các hợp đồng mua bán, tạo sự bảo đảm, tin cậy về mặt pháp lý cho việc mua bán, tạo uy tín cho khách hàng;
- Có những ưu đãi trong việc vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng;
- Một số loại hình doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn dưới nhiều hình thức;
- Tạo độ tin cậy khi quảng bá hình ảnh, thương hiệu kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tạo môi trường làm việc cho người lao động, đóng góp lớn cho xã hội.
- Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, những vấn đề về tiền lương, bảo hiểm, thuế,... cũng được quy định và hướng dẫn khá cụ thể trong các văn bản pháp luật.
- Tùy theo sở thích, hình thức kinh doanh, nguồn lực lao động, số vốn, … mà bạn có thể lựa chọn bất kỳ một loại hình doanh nghiệp phù hợp cho mình.
Những thách thức và khó khăn khi thành lập doanh nghiệp
Đi kèm theo những thuận lợi cũng sẽ là vô vàn những thách thức mà bạn sẽ phải đối mặt. Liệu công ty có hoạt động hiệu quả không? Sau khi thành lập thì lợi nhuận có như dự đoán hay không? Trong lúc đó thì chi phí duy trì và hoạt động vẫn phải gánh chịu hàng ngày. Các chủ doanh nghiệp thường gặp vấn đề khó khăn như:
- Ý tưởng về việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Khó khăn về ý tưởng không phải là thiếu ý tưởng mà là không biết được mức độ khả thi của nó. Mỗi một ngành nghề kinh doanh sẽ có những đòi hỏi bắt buộc của nhà đầu tư, của các đơn vị doanh nghiệp và của người thành lập. Có những ngành nghề cần phải có vốn pháp định, có những ngành nghề cần phải có giấy phép hoạt động của ngành đó,.....
- Lựa chọn hình thức doanh nghiệp: Việc lựa chọn hình thức doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động vốn hoạt động của doanh nghiệp và tính trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thành lập.
- Vốn và cơ sở vật chất: Khi thành lập công ty và đưa vào hoạt động phải có vốn và cơ sở vật chất đủ vững. Vốn này bao gồm hệ thống văn phòng làm việc, nhà xưởng nếu có, kho bãi và trang thiết bị cần thiết cho những nơi này; dây chuyền công nghệ sản xuất và tất nhiên không thể thiếu đội ngũ nhân lực vận hành.
Nhiều bạn chia sẻ về ước mơ tự mình làm chủ nhưng lại chưa chuẩn bị đủ hành trang cho con đường khởi nghiệp của mình nên thất bại là điều khó tránh khỏi. Có rất nhiều vấn đề mà các bạn trẻ cần phải hiểu khi quyết định chọn con đường khởi nghiệp: Nó không hề dễ dàng mà ngược lại cực kỳ áp lực và những áp lực này sẽ không kết thúc trong vài ngày hay vài tháng. Do đó, nếu chưa chuẩn bị được đầy đủ kiến thức, vốn liếng, kinh nghiệm và cả tinh thần thì đừng ngại ngần đi làm một thời gian để tích lũy; khi đó quá trình khởi nghiệp có thể giảm bớt áp lực và doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn.